Người biểu tình tập trung ở Bab al-Salameh, Syria, ngày 1/7. (Ảnh: Reuters)
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh sát bắt giữ 474 người tham gia vụ tấn công nhằm vào cộng đồng người Syria trên cả nước trong tối 2/7, Bộ trưởng Nội vụ Ali Yerlikaya cho biết. Bạo lực nổ ra từ ngày 30/6.
Tài sản và xe cộ của người Syria ở thành phố Kayseri, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, bị cướp phá và đốt, sau khi báo chí đưa tin về việc một người đàn ông Syria lạm dụng tình dụng một bé gái. Bộ trưởng Yerlikaya cho biết sự việc đang được điều tra.
Bạo lực lan sang các tỉnh Hatay, Gaziantep, Konya, Bursa và một phần thủ đô Istanbul, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ MIT cho biết.
Sau đó, hàng trăm người Syria giận dữ kéo xuống đường trên khắp vùng tây bắc Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì hàng ngàn binh lính và thiết lập phạm vi ảnh hưởng để ngăn Tổng thống Syria Bashar al-Assad giành lại quyền kiểm soát khu vực này.
Bạo lực nổ ra ở nhiều tỉnh thành của Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Al Jazeera)
Cuối ngày 2/7, Thổ Nhĩ Kỳ đóng các cửa khẩu biên giới để đối phó với tình hình bất ổn.
Thành phố Afrin giáp biên giới của Syria là nơi xảy ra bạo lực nghiêm trọng nhất, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng trong cuộc đấu súng giữa những người biểu tình có vũ trang với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở nhiều nơi khác, người dân ném đá vào đoàn xe Thổ Nhĩ Kỳ, xé quốc kỳ của nước này tại nhiều văn phòng.
Nhiều quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng vụ bất ổn ở Syria là “sự khiêu khích”. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố: “Thật sai lầm khi dùng những việc buồn xảy ra ở Kayseri làm cái cớ để có những hành động khiêu khích ở biên giới”.
Trong phát biểu ngày 2/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đổ lỗi cho các nhóm liên quan đến tổ chức khủng bố làm loạn, đồng thời tuyên bố sẽ vạch trần “những bàn tay bẩn” đứng sau.
“Chúng tôi biết ai đang chơi trò này với những tàn dư của tổ chức khủng bố. Chúng tôi hay những người anh em Syria sẽ không rơi vào cái bẫy này… Chúng tôi sẽ không tha cho những kẻ phá phách kỳ thị”, ông Erdogan phát biểu sau cuộc họp nội các.
Tuần trước, ông Erdogan cho biết một cuộc gặp của ông với Tổng thống Assad có thể giúp khôi phục quan hệ song phương.
Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ với Syria sau khi nội chiến nổ ra ở Syria năm 2011, để chuyển sang ủng hộ các nhóm nổi dậy muốn lật đổ ông Assad.
Bình Giang
Theo Reuters